Chăm sóc nuôi dạy con cái là một công việc vĩ đại và chiếm rất nhiều thời gian của các bậc cha mẹ. Do đó, khi các bậc cha mẹ phải theo dõi và điều trị các bệnh mạn tính như đái tháo đường cho con cái thì không khó để tưởng tượng ra sự mệt mỏi và căng thẳng mà cha mẹ phải đối mặt.
Trẻ em luôn cần sự chăm sóc và nuôi dạy từ người lớn. Khi trẻ em mắc phải bệnh đái tháo đường (típ 1 hoặc típ 2) thì đó không phải chỉ có đứa trẻ đó có bệnh đái tháo đường mà là cả gia đình. Khi trẻ em mắc bệnh càng trẻ thì các bậc cha mẹ càng khó khăn trong việc hỗ trợ các bé trong việc theo dõi và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì chúng ta chỉ là những bậc cha mẹ bình thường như mọi người, chúng ta không phải là bác sĩ. Cho nên việc phạm phải những sai lầm trong chăm sóc trẻ có bệnh đái tháo đường là điều dễ hiểu, vấn đề quan trọng là chúng ta phải học được điều gì có ích từ những sai lầm này.
Sau đây là một số sai lầm mà cha mẹ cần cố gắng tránh phải trong quá trình chăm sóc trẻ bị bệnh đái tháo đường:
- Tự trách mình đã gây ra bệnh cho con: Đây là một trong những điều làm các bậc cha mẹ đau khổ nhất, đặc biệt là trong thời gian đầu khi biết con mình mắc bệnh. Suy nghĩ này là hoàn toàn sai lầm vì các bậc cha mẹ đã chẳng có lỗi gì hết trong việc con họ có bệnh đái tháo đường và điều này đã được khoa học thừa nhận cho đến ngày nay. Thay vì dành thời suy nghĩ lẽ ra chúng ta đã nên làm như thế nào để tránh đi điều này thì chúng ta nên để dành thời gian suy nghĩ làm sao để dạy cho trẻ hiểu và chấp nhận sống chung hạnh phúc với căn bệnh của mình.
- Chăm sóc con một cách quá mức đặc biệt: Một trong những sai lầm lớn nhất của các bậc cha mẹ có con bị ĐTĐ là đối xử với đứa con bị bệnh một cách quá đặc biệt so với các đứa trẻ khác. Chúng ta cần quan tâm, chăm sóc trẻ em có bệnh nhiều hơn nhưng cũng phải cố gắng làm sao cho trẻ cảm thấy mình không có sự khác biệt so với các đứa trẻ còn lại. Cố gắng giúp trẻ sống hòa đồng cùng những đứa trẻ khác. Khi đứa trẻ có vấn đề gì cần xử lý, chúng ta cứ tự hỏi mình rằng, nếu đứa trẻ không bị đái tháo đường thì chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thì đó cũng chính là cách hợp lý chúng ta cần làm ngay cả khi trẻ bị đái tháo đường.
- Trở thành người “thanh tra thực phẩm” của trẻ: Các loại thực phẩm bánh kẹo ngọt ngào và thơm ngon thường không có lợi cho sức khỏe của trẻ bị đái tháo đường. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên cấm đoán tuyệt đối không cho trẻ đụng đến những thực phẩn này. Thỉnh thoảng, cũng có thể cho trẻ thưởng thức những thực phẩm ngon ngọt mà trẻ thấy thích. Khi bị cấm đoán điều gì thì con người thường có khuynh hướng đạt được điều đó nhiều hơn. Việc cấm đoán và từ chối cho trẻ sử dụng những thực phẩm ngon ngọt này có thể đưa đến hình thành những hành vi không tốt cho sức khỏe của trẻ trong tương lai chẳng hạn như lén lúc sử dụng và đam mê quá mức. Thay vì cấm đoán, chúng ta hãy cho trẻ sử dụng có chừng mực cùng với một chế độ ăn kiêng hợp lý. Hãy hướng dẫn trẻ đến thói quen chọn lựa những thực phẩm có lợi cho sức khỏe từ nhỏ hơn là loại bỏ tất cả các loại thực phẩm không có lợi cho sức khỏe ra khỏi lựa chọn của trẻ. Xin đừng làm “người thanh tra thực phẩm” của trẻ mà hãy nên cố gắng là bác sỹ dinh dưỡng của trẻ.
- Tự mình đưa ra tất cả các quyết định điều trị: Nếu trẻ quá nhỏ, đương nhiên khi đó các bậc cha mẹ sẽ quyết định tất cả trong việc điều trị. Tuy nhiên, khi trẻ lớn dần, chúng ta nên tập từ từ cho trẻ có thói quen tự tham gia vào việc đưa ra các quyết định trong việc điều trị căn bệnh của mình. Tập cho trẻ dần có ý thức trách nhiệm trong việc điều trị bệnh. Khi trẻ lớn, nếu chúng đã được tập làm quen từ nhỏ, chúng có thể tự mình quyết định được trong việc điều trị bệnh. Khi đó cha mẹ chỉ cần phải hỗ trợ trẻ trong những tình huống cần thiết.
- Luôn đối xử với trẻ bệnh như em bé sơ sinh: Việc nuôi dạy các em như một đứa trẻ đau ốm, yếu đuối sẽ không có lợi cho các em sau này phải sống trong một thế giới hiện thực đầy cạnh tranh. Việc trẻ bị bệnh đái tháo đường là một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận và dạy chúng hiểu và chấp nhận bệnh. Không nên nhốt trẻ trong một lồng kính như một sinh vật mong manh và dễ vỡ mà hãy nên là cầu nối cho trẻ hòa mình vào cuộc sống thực tế đầy sôi động.
Trích nguồn: Hội nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam
Tin liên quan
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Bệnh gút (Gout)
Ung thư từ ăn uống và Kẻ giết người giấu mặt
Mối liên quan giữa ăn uống với bệnh ung thư
Người Việt uống hơn 4 tỉ lít bia/năm
Kiểm soát bệnh mạn tính trong các kỳ nghỉ
Những tác động xấu do ăn uống đến thuốc tăng huyết áp
Giảm muối để phòng bệnh nguy hiểm