Thanh Cong Medical Clinic
Thanh Cong Medical Clinic

Lượng đường trong máu của bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) thường xuyên cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, gây tổn thương các cơ quan khác như: thần kinh, mắt, da miệng, mạch máu, thận, xương ... một trong những biến chứng đó có sự liên quan giữa bệnh ĐTĐ và sức khoẻ răng miệng.

Bình thường trong nước bọt luôn có sẵn một hàm lượng đường nhất định. Khi bệnh ĐTĐ không được kiểm soát tốt, lượng đường trong nước bọt cũng tăng cao là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn có hại phát triển, vi khuẩn kết hợp với thức ăn có sẵn trong miệng tạo thành mảng bám, có thể gây sâu răng, bệnh về nướu răng, làm cho hơi thở có mùi hôi. Bên cạnh đó, lượng đường máu cao còn làm cho mạch máu dễ bị tổn thương, bị chít hẹp (do hậu quả của sự xơ vữa thành mạch) làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng nướu răng kèm theo chức năng miễn dịch của cơ thể cũng suy yếu, do dó người mắc bệnh ĐTĐ dễ bị nhiễm trùng nướu răng gây viêm nướu và nha chu viêm.

Bệnh ĐTĐ tạo điều kiện thuận lợi gây bệnh răng miệng, nhưng bệnh răng miệng cũng tác động ngược lại làm cho việc kiểm soát lượng đường trở nên khó khăn hơn (nhất là bệnh nha chu).

NHỮNG BỆNH RĂNG MIỆNG THƯỜNG GẶP TRÊN BỆNH NHÂN ĐTĐ:

  • Sâu răng: Bệnh ĐTĐ làm giảm quá trình bài tiết nước bọt, dẫn đến khô miệng, dễ tạo thành mảng bám trên răng gây sâu răng.

sau rang

  • Viêm nướu răng: các mảng bám vi khuẩn trên răng nếu không được chải sạch lâu ngày sẽ bị khoáng hoá cứng dần tạo thành cao răng. Mảng bám và cao răng kích thích nướu gây viêm nướu làm cho nướu dễ chảy máu khi chải răng hay xỉa tăm là dấu hiệu dầu tiên của viêm nướu.

Benh nha chu

  • Bệnh nha chu: nếu không điều trị kịp thời viêm nướu sẽ chuyển sang giai đoạn nặng hơn đó là viêm nha chu, ở giai đoạn này, tổn thương sẽ lan rộng tạo thành những túi nướu chứa vi khuẩn và mủ, xương ổ răng và các mô nâng đỡ răng dần bị phá huỷ, tụt nướu răng, làm răng lung lay, thưa và rụng đi. Nhiễm trùng có thể nặng hơn, chậm lành vết thương hơn người bình thường do hệ thống miễn dịch kém.

Benh nha chu 2

  • Tưa miệng (nấm Candida): sự phát triển của nấm có sẵn trong miệng sẽ gây ra các triệu chứng như đau, có đốm trắng hoặc đỏ trên lưỡi, niêm mạc má, vòm miệng, tạo thành vết thương hở. Vệ sinh răng miệng chính là làm sạch các loại nấm này, hoặc trong giai đoạn nặng bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng nấm để điều trị.

Tua mieng

CHĂM SÓC SỨC KHOẺ RĂNG MIỆNG CHO NGƯỜI BỆNH ĐTĐ NHƯ THẾ NÀO?

  1. Khám sức khoẻ tổng quát định kỳ tại cơ sở y khoa (BS Nội khoa) để được kiểm soát hàm lượng đường trong máu thường xuyên giúp ổn định bệnh ĐTĐ, đồng thời có thể giúp cho việc phòng ngừa bệnh nha chu và sâu răng. Phương cách kiểm soát đường một cách hiệu quả ở môi trường miệng là vệ sinh răng miệng thật tốt.
  2. Khám răng định kỳ ở phòng khám răng hàm mặt, người bệnh ĐTĐ:
  • Được phát hiện sớm bệnh răng miệng như bệnh nha chu: chảy máu nướu ,vôi răng từ đó có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây bệnh.
  • Được hướng dẫn cách chải răng đúng cách, cách làm sạch răng có mảng bám vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh nha chu và sâu răng, cách dùng chỉ tơ nha khoa để lấy sạch thức ăn vùng kẻ răng.
  • Được chỉ dẫn cách dùng dung dịch súc miệng hay thuốc bôi (gel) có chất sát khuẩn để loại trừ mảng bám vi khuẩn và làm sạch miệng.

       3. Chăm sóc sức khoẻ răng miệng tại nhà:

  • Người bị bệnh ĐTĐ nên chăm sóc răng, nướu kỹ lưỡng và đều đặn hơn người bình thường.
  • Nên đánh răng ngay sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ bằng kem đánh răng có fluor để phòng ngừa bệnh sâu răng và viêm nướu.
  • Nên dùng bàn chải đánh răng có đầu nhỏ, lông mềm để tránh chấn thương nướu và niêm mạc miệng, thay bàn chải khi lông bàn chải toè, mòn hoặc xơ cứng.
  • Dùng chỉ tơ nha khoa để lấy thức ăn vùng kẻ răng 2 lần/ngày thay vì dùng tăm để tránh tổn thương nướu răng.
  • Dùng nước muối 0.9% hay dung dịch súc miệng có chất sát khuẩn sau mỗi bữa ăn.
  • Nếu có mang hàm giả tháo lắp, vệ sinh hàm giả sau khi ăn và nên tháo ra khi ngủ.
  • Nên từ bỏ hút thuốc lá.
  • Khám răng định kỳ ở phòng khám răng hàm mặt 2 lần/năm hoặc khi thấy những dấu hiệu bất thường.

BS. CKI. Huỳnh Thị Thanh Loan

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt - Phòng khám đa khoa Thành Công 

Bản quyền thuộc về Phòng khám đa khoa Thành Công

Developed by HS

X

Bạn cần hỗ trợ