Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống bệnh tật. Nhất là giai đoạn hiện nay dịch COVID-19 tồn tại trong cộng đồng và thời điểm này các bé cũng phải đến trường. Vậy để bé đến trường an toàn trong mùa dịch bệnh, các bậc cha mẹ cần cho bé ăn uống đa dạng đủ dưỡng chất, đủ năng lượng, thực đơn khoa học thông qua các bữa ăn hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng cần phù hợp theo lứa tuổi
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển toàn diện của trẻ, tiếp tục cho bé bú mẹ hoàn toàn kể cả ngày lẫn đêm, bú mẹ ngay khi bé có nhu cầu, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
Trẻ từ 6 tháng trở lên: Khi chào đời, cơ thể bé có kháng thể của mẹ truyền qua lúc mang thai chống đỡ với bệnh tật. Sau 6 tháng tuổi, lượng kháng thể này sẽ giảm dần. Hiểu và nắm rõ dấu hiệu cũng như chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đóng vai trò quan trọng để tăng cường hàng rào miễn dịch cho trẻ.
Cho bé ăn uống đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ 4 nhóm thực phẩm. Một chế độ ăn đủ đạm (protein) có vai trò rất quan trọng giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Chất đạm cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể được ví như những binh lính trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn và virus xâm nhập cơ thể. Đạm (protein) có nhiều trong các loại thực phẩm như: Thịt, cá, trứng, sữa, và các loại đậu/đỗ. Bữa ăn của bé cần có tinh bột, thịt cá, rau củ quả và dầu mỡ để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Cho trẻ bú mẹ, cung cấp đủ lượng sữa và nước cho trẻ giúp trẻ nâng cao đề kháng phòng tránh bệnh tật.
Cho trẻ bú mẹ, cung cấp đủ lượng sữa và nước cho trẻ giúp trẻ nâng cao đề kháng phòng tránh bệnh tật.
Đối với bé dưới 2 tuổi, nên chế biến ở dạng sệt, lỏng, mềm để các bé dễ tiêu hóa hơn và lưu ý các phụ huynh nên chia thành nhiều bữa để bé hấp thu tốt hơn vì dạ dày các bé có dung tích nhỏ, tránh tình trạng nôn trớ sau khi ăn, giúp bé vẫn cung cấp đủ năng lượng và bớt cảm giác chán ăn.
Súp, cháo, bột từ các loại đạm động vật giá trị dinh dưỡng cao như thịt gà, lợn, bò cùng các loại rau củ là lựa chọn khá tốt. Các thức ăn lỏng này dễ tiêu hóa, cải thiện hệ miễn dịch, đẩy nhanh hiệu quả chống cảm cúm.
Nên cho bé ăn khi thức ăn còn ấm. Nên xúc cho bé ăn chậm, không nên ép ăn và nấu món bé thích.
Các lưu ý khi chế biến
Đối với các bé lớn có khả năng ăn thô tốt, phụ huynh nên chế biến đa dạng, thay đổi và quan trọng là đầy đủ dinh dưỡng, thức ăn ở dạng mềm, được cắt nhỏ và phù hợp với khẩu vị của bé nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.
Đối với các trẻ lớn, khi chế biến món ăn nên có chút gia vị: Những loại gia vị như tỏi, gừng, nghệ, hành, không chỉ làm dậy mùi món ăn và các loại rau thơm nhiều tinh dầu (bạc hà, kinh giới, tía tô...) trong các bữa ăn hàng ngày còn có tính kháng khuẩn cao.
Cung cấp đủ lượng sữa và nước cho trẻ
Khi cơ thể thiếu nước, phổi và vòm họng thiếu đi chất nhờn bảo vệ, dễ dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn và virus (như SARS-CoV-2) gây nhiễm bệnh. Mất nước dẫn đến khô cổ họng là một rủi ro cao với các bệnh hô hấp. Cho bé uống nhiều sữa và đủ nước, bổ sung các loại nước trái cây để tăng cường vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Đối với các bé từ 6 - 12 tháng tuổi: ngoài 2-3 bữa ăn chính, bé còn cần thêm 700-800ml sữa và nước theo nhu cầu, nhất là khi trời nắng nóng.
Đối với các bé trên 1 tuổi: ngoài 3-4 bữa ăn chính, bé còn cần thêm 300-500ml sữa và nước theo nhu cầu. Uống nước ngay khi trẻ than khô cổ, hoặc thấy nước tiểu của trẻ màu vàng đục.
Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Chỉ cần cảm thấy có chút khô họng phải uống nước ngay. Lưu ý các trẻ lớn mỗi ngày uống không dưới 1.500ml nước ấm. Uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày, bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát. Không uống nước ngọt thay cho nước lọc. Thông thường ở trẻ em sau khi trừ lượng sữa nhu cầu trong ngày, nhu cầu nước còn lại được cung cấp bằng nước lọc là ổn.
Nguyên tắc tính lượng nước cho trẻ có thể thực hiện nhanh như sau:
Trẻ nhỏ (dưới 12 tháng): lượng nước uống theo công thức đơn giản 100ml/kg cân nặng. Ví dụ: bé 12 tháng, nặng 9kg lượng nước cần cung cấp 1 ngày là 100ml x 9 = 900ml/ngày (sữa, canh, nước lọc,...).
Trẻ lớn (trên 12 tuổi hoặc trên 10kg): lượng nước uống tối thiểu là 50ml/kg cân nặng. Ví dụ: bé 10 tuổi, nặng 30kg lượng nước cần cung cấp 1 ngày là 50ml x 30 = 1.500ml/ngày (1,5 lít). Khi trời nóng, trẻ chạy nhảy đổ mồ hôi nhiều hoặc tham gia nhiều hoạt động thể lực mạnh có thể cộng thêm từ 0,5 - 1 lít/ngày cho bé.
BS CKI. Đào Thị Cẩm
Tin liên quan
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Bệnh gút (Gout)
Ung thư từ ăn uống và Kẻ giết người giấu mặt
Mối liên quan giữa ăn uống với bệnh ung thư
Người Việt uống hơn 4 tỉ lít bia/năm
Kiểm soát bệnh mạn tính trong các kỳ nghỉ
Những tác động xấu do ăn uống đến thuốc tăng huyết áp
Giảm muối để phòng bệnh nguy hiểm