Tuy không phải bệnh cấp tính, nhưng hệ lụy từ rối loạn mỡ máu (lipid máu, tăng cholesterol trong máu) sẽ phát sinh nhiều bệnh lý khác. Do diễn biến bệnh âm thầm, nhiều người chủ quan, trong khi đó rối loạn mỡ máu là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý tim mạch.
Rối loạn lipid máu là hậu quả của béo phì và nguy cơ tương đương với tăng huyết áp, là nguyên nhân hàng đầu của nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Rối loạn thường gặp ở người ít vận động, ăn uống quá dư thừa chất đạm, chất mỡ và những đồ ăn nhanh… Vì vậy, ở thành phố có nhiều người bị rối loạn lipid máu hơn ở nông thôn.
Ai dễ bị rối loạn lipid máu?
Tăng cholesterol máu do ăn quá nhiều chất béo bão hòa, các chất béo bão hòa có trong các thức ăn có mỡ, đặc biệt là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, hầu hết các loại thức ăn rán, các loại bánh như bánh bích quy và bánh ga tô…
Thay thế các thức ăn có chứa nhiều chất béo bão hòa bằng các thức ăn có chứa chất béo không bão hòa đa chuỗi và đơn chuỗi sẽ làm giảm lượng cholesterol trong máu. Các thức ăn có chứa nhiều chất béo không bão hòa đa chuỗi bao gồm dầu hướng dương, sữa đậu nành, cá, một số loại quả và củ. Các thức ăn có chứa chất béo bão hòa đơn chuỗi bao gồm dầu ô liu, dầu lạc. Ăn nhiều thức ăn có chứa cholesterol sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, đặc biệt người có nguy cơ cao bị mắc bệnh vữa xơ động mạch và bệnh động mạch vành.
Tăng triglycerid máu thường gặp ở người thừa cân (béo phì), uống nhiều rượu và ăn nhiều thức ăn có chứa chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu. Để làm giảm lượng triglycerid máu, cần hạn chế ăn các thức ăn có chứa chất béo, hạn chế uống rượu và giảm cân nếu thừa cân.
Rối loạn lipid máu thứ phát do các nguyên nhân như: đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu…
Làm thế nào để phát hiện rối loạn lipid máu?
Hầu hết những người có cholesterol máu cao đều không có dấu hiệu gì báo trước và cách duy nhất để phát hiện ra bệnh là làm xét nghiệm máu. Mẫu máu xét nghiệm thường được lấy từ máu tĩnh mạch ở cánh tay và cần nhịn đói ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm máu (thường lấy mẫu máu vào buổi sáng sớm trước bữa ăn sáng). Một số trường hợp có thể phát hiện được bệnh nhờ dấu hiệu lắng đọng cholesterol ở dưới da hay ở vùng quanh mi mắt.
Khi nào cần kiểm tra lipid máu?
Nồng độ cholesterol trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình vữa xơ động mạch và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim. Hầu hết lượng cholesterol toàn phần trong máu tạo ra LDL-C là loại cholesterol có hại. Chỉ có một lượng nhỏ cholesterol tạo ra HDL-C là loại cholesterol có ích, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh vữa xơ động mạch. Tăng cholesterol máu là một trong những nguy cơ chính gây bệnh vữa xơ động mạch và bệnh động mạch vành. Nguy cơ bị bệnh động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác càng tăng cao hơn nếu như bạn có các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, thói quen ít vận động và thừa cân (béo phì). Do vậy, việc kiểm tra đình kỳ là hết sức cần thiết. Thông thường, những người trên 45 tuổi nên kiểm tra lipid máu định kỳ 6 tháng 1 lần. Kiểm tra lipid máu cho những người trẻ tuổi hơn nếu như có các yếu tố nguy cơ khác như bị tăng huyết áp hay hút thuốc lá, tiền sử gia đình bị bệnh động mạch vành. Những người đang điều trị rối loạn lipid có thể kiểm tra thường xuyên hơn, khi đã kiểm soát được thì nên kiểm tra 6 tháng/lần.
Trẻ em thường không cần kiểm tra lượng lipid máu trừ khi bị bệnh đái tháo đường.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng rối loạn lipid máu cần thực hiện chế độ ăn giảm các chất béo bão hòa (thịt mỡ, bơ, phomát, margarin…). Nên ăn các loại chất béo chưa bão hòa (dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng…). Không ăn nhiều các thức ăn có cholesterol cao như lòng đỏ trứng, thịt có màu đỏ, sữa, gan, bơ, phủ tạng động vật…). Ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Hạn chế uống rượu. Ăn nhiều rau quả (vì chúng làm hạ lượng cholesterol) như các loại táo, bưởi, cam, quýt, bắp cải, cải củ, cải bẹ, cải xanh, cà rốt, cà chua, cà tím, đu đủ, tỏi, hành ta, hành tây, gừng, ớt. Ngoài chế độ dinh dưỡng nói trên, để giảm lipid máu còn phải kiểm soát cân nặng, do đó phải tập thể dục đều đặn, vận động thường xuyên kiên trì (như dọn dẹp, lên xuống cầu thang, tập thể dục, chăm sóc cây cảnh…) để tránh béo phì.
Trích nguồn: Báo sức khoẻ và đời sống
Tin liên quan
Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay
Chẩn đoán và điều trị thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng
Bệnh gút (Gout)
Ung thư từ ăn uống và Kẻ giết người giấu mặt
Mối liên quan giữa ăn uống với bệnh ung thư
Người Việt uống hơn 4 tỉ lít bia/năm
Kiểm soát bệnh mạn tính trong các kỳ nghỉ
Những tác động xấu do ăn uống đến thuốc tăng huyết áp
Giảm muối để phòng bệnh nguy hiểm